(TNO) Thông tin về bộ phim Cô dâu 8 tuổi dài gần 2.000 tập đã trở thành đề tài bình luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn, trang mạng xã hội và cả trên đường phố.
Phần lớn mọi người đều tỏ ra bức xúc và ngao ngán vì bộ phim quá dài và những tình tiết trong phim thì vô cùng chậm chạp, kèm theo nhạc phim không thể nào “có cảm xúc” hơn. Hơn nữa, khán giả chính của phim là những phụ nữ tuổi trung niên và phim đang phát sóng vào khung giờ vàng nên nhiều bạn trẻ không thể “chịu đựng” được vì đến giờ đó dù muốn hay không cũng vẫn phải xem cùng các bà nội trợ. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến góp ý rằng nhà đài nên chiếu một lúc 5 tập từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau để phim nhanh hết và ít người phải xem.
Ở tất cả các tình tiết trong phim, máy quay thường quay cận cảnh gương mặt của các thành viên trong gia đình, sau đó mới quay diễn biến tình tiết làm cho bộ phim càng trở nên lằng nhằng và ì ạch. Thậm chí, nhiều khán giả còn cho rằng “giọt nước mắt chảy từ mắt đến mũi của diễn viên trong Cô dâu 8 tuổi đã mất nửa tập phim”.
Một khán bình luận về bộ phim dài lê thê này như sau: “Có mỗi việc sai đứa con sang nhà hàng xóm mà hết hai tập nó chưa chịu sang. Đi ngang qua nhau nhìn thấy nhau hết nửa tập. Người chết năm tập chưa chôn. Có cái đám tang khóc lóc hết năm ngày trời. Nói xong một câu, cả nhà nhìn nhau hết nguyên một tập. Chàng dỗi nàng, nàng vùng vẫy sang đường thì bị xe đâm. Bắt đầu hành trình "tìm về dấu yêu", mất hết năm tập. Có mỗi cảnh ăn cơm hết ba tập. Một đoạn cãi nhau kéo dài 30 phút. Phim dài một tiếng thì slow motion (quay chậm biểu cảm của mỗi nhân vật) hết nửa tiếng, lườm nhau nửa tiếng...
Mà cũng không hiểu phim kiểu gì… Nhân vật chính cũng khóc, phụ cũng khóc. Chửi nhau là khóc, cãi nhau thì cũng nhòe nước mắt. Người oan cũng khóc, mà người vu oan thấy tội cho người bị oan cũng lăn ra khóc. Trẻ con, người lớn, trung niên, người già trong phim ít nhất một lần phải khóc. Cả nhà vừa đón được cô dâu về nhà câu trước câu sau là khóc. Đến cả nhà ngồi ăn cơm cũng chuẩn bị mắt trước mắt sau mà cùng lăn ra khóc. Rồi đến nhiều khi trong phim cả nhà vừa ngưng khóc, không hiểu lòi đâu ra đứa ô sin lao vào khóc hôi, thế là cả nhà được thể lại lăn ra khóc”.
Ví dụ trong tập 216, đoạn Anandi (nhân vật cô dâu) bắt gặp chồng mình là Jagdish bị bố dọa đánh (23:16 - 23:29), cô bé đã chạy đến bênh chồng. Tuy nhiên, với nước mắt ngắn dài kèm theo những cái lắc đầu lia lịa, Anandi làm khán giả không hiểu được cô bé làm vậy là với mục đích gì. Những người nhà đứng xung quanh cũng nước mắt ngắn dài khóc lóc theo Anandi và đương nhiên máy quay cũng không quên quay cận những gương mặt này.
Chưa dừng lại ở đó, những giây tiếp theo (23:43 - 24:40) trong sự việc Jagdish nhận lỗi về bảng điểm, máy quay lại quay cận đến từng nhân vật một trên nền nhạc kịch tính cho từng người rồi mới quay đến Jagdish nói xin lỗi. Lúc này cả nhà lại tiếp tục khóc.
Có thể thấy, một phân đoạn không có gì quá đặc biệt nhưng lại tốn rất nhiều thời gian và quá chi tiết đến mức khiến khán giả nhàm chán bởi nước mắt của diễn viên và các cảnh quay “siêu chậm”.
Mặc dù vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới trẻ, nhưng Cô dâu 8 tuổi vẫn thu hút được nhiều khán giả, đặc biệt là các bà nội trợ và khán giả tuổi trung niên vì hướng tới văn hóa Á Đông và các vấn đề trong cuộc sống gia đình. Vậy nên, bộ phim nhận được sự đồng cảm từ nhiều người xem vì họ thấy được chính mình trong từng tập phim.
Khác với phim truyền hình của các quốc gia khác, phim truyền hình Ấn Độ thường muốn người xem tiếp cận đầy đủ và chi tiết từ toàn cảnh đến cận cảnh để hiểu rõ diễn biến tâm trạng và sắc thái biểu cảm của tất cả các nhân vật trong phim. Vậy nên từng chi tiết được đầu tư kỹ lưỡng và rất chậm.
Máy quay hướng vào cận mặt các nhân vật nhằm mục đích gây ấn tượng với khán giả, bên cạnh đó hành động lắc đầu của các diễn viên cũng nằm trong ngụ ý ngôn ngữ cơ thể của đạo diễn.
Chính vì từng tình tiết trong phim được kéo dài nên nếu lỡ không theo dõi được một vài tập, khán giả cũng có thể dễ dàng theo kịp nội dung phim.
Cô dâu 8 tuổi dựa trên câu chuyện có thật tại một làng quê Ấn Độ, đề cập tới vấn đề thời sự nóng bóng tại đất nước này là nạn tảo hôn. Chính vì vậy, đã có một thời gian bộ phim bị ngưng phát sóng, nhưng được sự ủng hộ của khán giả bộ phim tiếp tục lên sóng trở lại. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của “người vợ” trẻ trong gia đình chồng với những nghi lễ áp đặt. Theo thông tin ban đầu, bộ phim có độ dài gần 2.000 tập và vẫn đang tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, theo đại diện của kênh truyền hình Today TV thì khi chiếu tại Ấn Độ phim dài 22 phút/tập nhưng về Việt Nam đã được ghép hai tập thành một tập 45 phút để phát sóng, đồng thời cũng cắt bỏ những tình tiết dài dòng. Vậy nên bộ phim sẽ đến với khán giả Việt Nam chính xác là 900 tập. Cô dâu 8 tuổi được phát sóng mỗi ngày một tập từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần trên kênh Today TV. Tuy nhiên, đáp ứng theo yêu cầu của đông đảo khán giả xem truyền hình, từ 27.6, Cô dâu 8 tuổi sẽ phát sóng lên thành mỗi ngày hai tập từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. |
Nguồn tin:
0 comments :
Post a Comment