“World Wide Web – Mạng lưới toàn cầu” là cụm từ phổ biến khi nói về Internet. Giống như chu kỳ kinh doanh của các lĩnh vực thương mại, “World Wide Web” sắp bước vào thời kỳ thu nhỏ.
Mọi thứ đều có chu kỳ, từ những đồ vật hữu hình được mua mới rồi bị làm hỏng, cho đến những thứ vô hình như điều xấu thường đi sau điều tốt đẹp. Triết học Trung Quốc gọi đó là thuyết “Âm dương”, một thuyết tự nhiên, nơi vạn vật đấu tranh để được cân bằng. Thuyết “Âm dương” áp dụng trong thương mại chính là khái niệm “Chu kỳ kinh doanh”, giống như những cặp bài đối lập mà chúng ta thường thấy: cổ phiếu này tăng – cổ phiếu khác giảm; kinh tế vi mô – kinh tế vĩ mô… Có thể hiểu nôm na “chu kỳ kinh doanh” là một giai đoạn mà doanh nghiệp, ngành công nghiệp, hoặc toàn bộ nền kinh tế mở rộng và thu hẹp lại.
“Chu kỳ kinh doanh” của Internet không vượt ra ngoài quy luật trên, với nhiều biến đổi từ những năm 1960 đến 1970. Kể từ cột mốc năm 1990 – khi Bill Clinton còn giữ chức Tổng thống Mỹ, Internet đã phát triển với một tốc độ phi thường và đáng kinh ngạc. Bằng chứng là dữ liệu được truyền bằng mạng cáp quang tốc độ cao thông qua vô số công cụ như: email, tin nhắn, cuộc gọi quốc tế VoIP, diễn đàn thảo luận, blog, các trang mua sắm trực tuyến và cả mạng xã hội. Đồng thời, sự nổi lên của thời đại “dot com” đã sản sinh ra một loạt các tỷ phú mới. Trong số những cái tên ấy phải kể đến hai nhà đồng sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin, hay Mark Zuckerberg với mạng xã hội Facebook trị giá hàng trăm tỷ USD.
Đồng bộ hóa các dịch vụ trên Internet |
Tuy nhiên, hiệu quả của Internet vẫn còn dấu hỏi. Trong 20 năm qua, Google, một công ty được hợp nhất vào năm 1998 và công khai năm 2004, đã thu thập được một lượng dữ liệu khổng lồ và kiếm bộn tiền khi bán chúng cho doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp, dù cũ hay mới thành lập đều muốn sở hữu một website riêng. Sau khi mua một tên miền, trả tiền thuê server máy chủ, bỏ tiền thiết kế website và bảo trì hàng ngày, doanh nghiệp thường gặp bế tắc trong việc quảng bá thương hiệu của mình tới người dùng. Ngay lập tức, họ nghĩ đến việc trả tiền cho Google để được xuất hiện trên top đầu của cỗ máy tìm kiếm có hàng tỷ người dùng này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không thu được hiệu quả từ việc chia sẻ hầu bao với Google. Tính đến cuối năm 2011, đã có 555 triệu trang web và 220 triệu tên miền được đăng ký, song quảng cáo trực tuyến chưa được khai thác hiệu quả.
Ở góc độ người dùng, mọi hoạt động của cá nhân đều bị chi phối bởi một nền tảng Internet chưa tối ưu. Một tín đồ công nghệ thường có nhiều hồ sơ cá nhân trên Facebook, Twitter, Amazon, Ebay, Gmail, Yahoo hoặc Hotmail, Youtube. Tuy nhiên, các ứng dụng này lại chưa đồng bộ hóa. Chẳng hạn khi đăng ký một tài khoản Gmail, người dùng được yêu cầu phải có một địa chỉ email khác để Gmail gửi trả xác nhận. Sự thật trớ trêu là nếu muốn tạo tài khoản Gmail, Google lại đòi hỏi một tài khoản Yahoo Mail hay Hotmail khác. Điều này cũng tương tự khi người dùng phải tạo mới hồ sơ cá nhân khi mua tên miền trên GoDaddy, NetworkSolutions hoặc khi tải ứng dụng từ iTunes. Thay vì làm tất cả chỉ với một hồ sơ cá nhân, người dùng phải tạo mới và quản lý nhiều hồ sơ.
Đánh vào tâm lý người dùng thường thích mua sắm ở một trung tâm tập hợp mọi cửa hàng hơn là lái xe đến từng cửa hàng ở nhiều địa điểm khác nhau, Internet sẽ trở thành một mạng lưới toàn cầu – World Wide Web – nếu mọi ứng dụng bên trong nó có thể đồng nhất với nhau. Triết lý này đã được “ông lớn” Wal-Mart áp dụng trong ngành bán lẻ từ năm 1962 khi gom nhặt mọi mặt hàng từ nước súc miệng, xà phòng, chất khử mùi, đến bánh mì, sữa và đồ tắm vào một chỗ.
Internet cũng có thể giống như Wal-Mart, quy tụ mọi ứng dụng trong một trang web đơn giản và vào cùng một thời điểm, với một hồ sơ cá nhân duy nhất. Người dùng có thể mua một cuốn sách trên Amazon hay Ebay, tìm kiếm video mới nhất trên Youtube, tải về một ứng dụng từ iTune, viết nhật ký trên Blog, chia sẻ một bức ảnh trên Facebook, tham gia một trò chơi ảo trên các trang game chỉ với một tài khoản cá nhân. Tất nhiên là các trang cá nhân phổ biến như Google, Amazon, Ebay, GoDaddy, Twitter, hoặc Facebook không thích điều này vì nguy cơ đánh mất người dùng và mối đe dọa bị thay thế.
Internet đang ở thời kỳ phát triển bởi vì tất cả mọi thứ đang bão hòa. Việc doanh nghiệp chưa khai thác tối ưu hiệu quả từ quảng cáo trực tuyến và người dùng phải quản lý quá nhiều hồ sơ cá nhân, hàm ý rằng Internet sẽ sớm bước vào thời kỳ thu nhỏ. Làn sóng mới từ các mạng xã hội sẽ giúp quá trình thu nhỏ này diễn ra đơn giản hơn và sàng lọc lại kho thông tin. Tuy nhiên, các mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, từ Facebook, Twitter cho đến LinkedIn vẫn chưa thể đóng vai trò là Wal-Mart để trở thành người dẫn đầu mạng lưới toàn cầu Internet. Thay vào đó, các nền tảng thương mại xã hội mới nổi như Sqeeqee có thể đảm nhiệm vai trò còn khuyết này.
Giống như “Chu kỳ kinh doanh” của ngành tài chính, sự mở rộng và thu nhỏ của “Chu kỳ Internet” là không thể tránh khỏi.
(Nguồn: Blog Jenny Tạ)
0 comments :
Post a Comment