Chi phí đầu tư và duy trì máy chủ dùng riêng (Dedicated Server) là vấn đề mà doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn quan tâm. Sử dụng máy chủ riêng ảo (Virtual Private Server) là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí.
Bài toán chọn máy chủ riêng
Việc đầu tư ban đầu cho hệ thống website chạy trên hosting chia sẻ (Shared Hosting) dường như là giải pháp tiết kiệm tối ưu cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, nhất là những DN chỉ dùng website để giới thiệu công ty, sản phẩm, dịch vụ, dùng email để trao đổi thông tin với khách hàng mà không có công cụ tương tác nhiều. Nhưng thực tế cho thấy giải pháp này gây phiền toái cho DN do các sự cố bất khả kháng như máy chủ chia sẻ bị quá tải vì những website khác chạy chung bị tấn công, email gửi đi bị nghẽn hoặc bị đánh dấu spam, thậm chí không nhận được email gửi đến. Đó là những bất lợi ngược với tiêu chí cần thiết cho hoạt động của một website doanh nghiệp là ổn định và tốc độ.
Các giải pháp máy chủ riêng (Dedicated) sẽ giải quyết được những điểm yếu trên. Tuy nhiên tùy mô hình, nhà quản lý CNTT nên lựa chọn mua máy chủ riêng hay thuê máy chủ riêng. Bài toán mà nhà quản lý CNTT cần quan tâm là chi phí đầu tư và khả năng khai thác hệ thống khi đầu tư. Trong đó, chi phí tối thiểu của giải pháp mua máy chủ riêng là 19,5 triệu đồng (1.000USD) và phí thuê đặt chỗ khoảng 1,9 triệu đồng/tháng (100 USD/tháng).
Hiện nay, với sự phát triển kỹ thuật từ Intel, các thiết bị máy chủ sử dụng bộ vi xử lý Intel được hỗ trợ công nghệ ảo hóa rất tốt, linh hoạt, ổn định. Từ đó, các công nghệ khai thác dịch vụ máy chủ riêng ảo (Virtual Private Server) được nâng lên một bậc, có thể trở thành giải pháp hợp lý về chi phí cũng như khai thác vận hành cho các DN vừa và nhỏ.
Giải pháp máy chủ riêng ảo
Máy chủ riêng ảo (VPS) hoạt động dựa trên phần tài nguyên (CPU, RAM, HDD, Network…) do một hệ quản trị của máy chủ vật lý (Hardware Node) chia sẻ. Mỗi VPS vận hành như một máy chủ riêng thực thụ, có hệ điều hành riêng (Windows, Linux), có IP riêng. Khách hàng nắm quyền quản trị cao nhất và tùy ý cài đặt máy chủ theo nhu cầu riêng. Đặc biệt, các VPS trên cùng một Hardware Node không phải chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ trong trường hợp một VPS nào đó bị tấn công và sập, các VPS khác vẫn hoạt động bình thường nhờ hệ quản trị hệ thống Node đã phân chia hoàn toàn độc lập các phần tài nguyên cho mỗi VPS. Ngoài ra, việc sao lưu dự phòng cho VPS cũng như cài đặt lại toàn bộ VPS khá dễ dàng và nhanh chóng.
Các công nghệ sử dụng để quản lý tài nguyên Hardware Node đa dạng nhưng nhìn chung đều hướng đến phân bổ tài nguyên hợp lý và độc lập, qua đó giúp người dùng cuối quản lý vận hành dễ dàng hơn. Những hệ quản trị được dùng nhiều nhất hiện nay như VMWare, Microsoft Hyper-V, Parallels Virtuozzo, OpenVZ, XEN…
Giải pháp VPS cho phép DN sử dụng tới đâu, đầu tư tới đó và tối ưu hóa chi phí đầu tư.
Ngoài nhu cầu máy chủ cho web và vận hành các ứng dụng nghiệp vụ, việc trao đổi thông tin, giao dịch qua email ngày càng tăng nên DN cần chú ý đầu tư cho máy chủ dành cho email (Mail Server) ổn định, đủ chức năng quản lý, lọc và ngăn chặn các mail spam, virus.
Trên VPS, thậm chí, các nhà quản lý CNTT có thể cấu hình cả máy chủ chuyển tiếp mail (Mail Relay) cho chính mail server của mình để bảo đảm mail gửi đi không bị đánh dấu Spam trên các máy chủ email thông dụng trên thế giới.
Đối với các DN có website giao dịch trực tuyến hoặc các hệ thống quản lý hàng trực tuyến thì khởi đầu bằng một VPS là hợp lý. Các trang web bán hàng mới thường có lượng truy cập vừa phải. Khi lượng truy cập tăng cao, DN có thể mua dịch vụ VPS lớn hơn theo đúng nhu cầu. Việc nâng cấp cấu hình của VPS cũng rất đơn giản, nhanh chóng, không ảnh hưởng dữ liệu hiện hành và không làm gián đoạn hoạt động của website.
Theo PCWORLD
Các danh mục chính
0 comments :
Post a Comment