Có quyết định thành lập thôn cách đây gần 10 năm, có chính quyền thôn với đầy đủ các ban bệ. Thế nhưng, cả thôn Bình Lợi (xã Cư Mlan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) với gần 200 hộ dân, gần 1000 nhân khẩu lại không một ai có các loại giấy tờ tùy thân...
Các loại giấy tùy thân như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, giấy đăng ký kết hôn … đều không tồn tại ở đây khiến cho vùng đất không điện – đường – trường – trạm này vốn đã khốn khổ lại thêm chua chát, đắng cay đủ bề.
Vỡ núi lập làng từ khi cọp dọa người
Con đường độc đạo dài gần 40 km nối từ thị trấn Ea Súp và thôn Bình Lợi phải đi mất gần 2 giờ trong cảnh bụi bay mù mịt.
Trưởng thôn Bình Lời, bà Bàn Kỳ vừa dẫn đường vừa tâm sự với tôi giọng chua chát rằng: “Chúng tôi vào đây gần 20 năm rồi, từ khi rừng núi còn hoang vu lắm. Đây có lẽ là con đường khốn khổ nhất ở xứ này, ngày nắng dẫu bụi bám đến vàng mặt, mờ mặt nhưng còn đi được, ngày mưa chỉ có nước quốc bộ. Nhiều lần có người trong thôn bị bệnh, gọi xe cấp cứu nhưng đường khó đi, chẳng có ai chịu vào cả, có người chết oan”.
Đi được một quãng dài, xe bà Kỳ bỗng nhiên ngã nhào vì vấp hố voi, bà bảo, ở đây cảnh tượng này chẳng hiếm. Sau khi băng lại vết thương, tôi và bà lại tiếp tục đi, trời chiều xế bóng, thôn Bình Lợi dần hiện ra với những ngôi nhà tranh xập xệ, lụp xụp, nhỏ nhoi như những dấu chấm lặng buồn giữa đại ngàn hoang vu. Từ đầu đến cuối thôn, số nhà được dựng ván và lợp tôn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lâu lắm mới thấy khách lạ, già làng Sùng Nam thổ lộ ngay: “Thôn được chính quyền oang oang đọc quyết định thành lập đấy, lâu rồi, nhưng cuộc sống ở đây chẳng khác thời hoang sơ là mấy. Ngày chúng tôi vào đây, cọp còn nhiều lắm, suốt ngày nó cứ ra dọa người nên dân làng phải thay nhau thức trắng để canh. Không có nó nuốt chửng người như chơi”.
Thấy tôi ngồi miệt mài ghi chép những lời ấy vào cuốn sổ tay, ai cũng há hốc miệng chỉ trỏ, bàn tán. Bà Kỳ nhanh nhẩu giải thích: “Thôn này gần 1000 nhân khẩu rồi nhưng chỉ có 4 người biết đánh vần chữ thôi. Nên thấy người ta viết chữ thì lạ vậy đó. Bản thân tôi, làm trưởng thôn nhưng cũng mới học đến lớp 3 chứ mấy.
Dân ở đây toàn phận nghèo khổ cả. Có lần cán bộ dân số xã vào đưa cho mỗi nhà một tờ tuyên truyền sức khỏe sinh sản, có vẽ hình minh họa rất nhiều trẻ con, và ghi dòng chú thích bên dưới “đẻ nhiều sẽ nheo nhóc, nghèo nàn”.
Người dân chẳng ai biết đọc, cứ tưởng cán bộ khuyến khích đẻ nhiều nên ai cũng thi nhau đẻ. Toi cũng phải quần quật lo đi làm nữa, đâu phải lúc nào cũng đến từng nhà hướng dẫn cho bà con được. Điện thì chẳng có, loa phóng thanh cũng không, nhà nọ cách nhà kia hàng trăm mét”.
Tiếp theo câu chuyện của nhiều thanh niên trong làng cũng khiến tôi phải cố kìm lại tiếng cười đầy chua chát. Họ kể: “Năm ngoái có một đoàn sinh viên tình nguyện ngoài thị trấn cho một rổ bao cao su kèm theo các tờ giấy có vè hình ngón tay đang lồng vào chiếc bao cao su ấy, phía dưới có nhiều hàng chữ. Nhưng không ai biết đọc, sau khi nhận bao, nhìn theo hình vẽ, thanh niên cứ luồn hết bao cao su vào các ngon tay, đi làm rẫy chẳng được vì trơn quá nên lột ra, vứt hết. Cái thôn này nằm biệt lập hẳn so với các làng xã khác nên đôi lúc cứ cảm thấy như một vương quốc riêng ấy”.
54 tuổi nhưng bà Nông Cúc và nhiều người già khác vẫn mong một ngày được đánh vần cái chữ xem có khó nhọc như cuốc rẫy hay không. Bà nghẹn ngào kể: “Hồi nhỏ cũng thèm đi học nhưng cái phận nghèo, cha mẹ bảo học cũng chẳng để làm gì.
Cả ngày chạy lo cái ăn, cái mặc xanh mặt, xanh mày rồi thì làm gì có điều kiện chữ với nghĩa được. Bao năm nay, do một chữ bẻ đôi cũng không biết nên cuộc sống của chúng tôi tẻ nhạt lắm, lại hay gặp phiền toái. Trong nhà cần viết tò đơn xin xỏ này nọ gửi cho thôn, cho xã cũng phải đi nhờ người viết. Có lần cán bộ xã gọi tui đến, nói ký vô tờ danh sách nhận tiền mua dầu hỏa thắp Tết.
Tui cầm cây viết mà tay cứ lóng ngóng, ngó nghiêng không biết làm thế nào cả. Cán bộ hỏi chê ít hay sao mà không chịu ký? Sau khi nghe tui trình bày hoàn cảnh, cán bộ phát tiền lấy cây bút mực đen vừa quẹt mực lên ngón tay tôi vừa gắt: “Không biết chữ thì nói không biết chữ cho đỡ mất thời gian, rồi cầm ngón tay tui nhấn vô tờ giấy, xong mới cho nhận tiền và bảo Tết này có tiền mua dầu mà thắp thoải mái nhá, sáng sủa rồi nhá. Ôi chao! Nghe mà tủi cái thân già quá”.
Nỗi lo người lậu và muốn cưới nhau thì cam kết bằng miệng
Do chẳng có một loại giấy tờ tùy thân nào nên những người dân thôn Bình Lợi suốt ngày chỉ biết ru rú trong làng. Mỗi lần ra phố thị hay đi xa với họ là một nỗi lo lắng, bồn chồn. Nhớ lại lần lang thang khắp Buôn Ma Thuột rồi ngủ vạ vật qua đêm dưới gốc cây trong công viên, Vũ Đức Tính lắc đầu ngao ngán: “Có mỗi thằng bạn thân nhất, làm tài xế xe bus ở Buôn Ma Thuột cưới vợ nên tôi đi. Đường xa quá, phải ở lại đêm.
Phòng trọ của vợ chồng bạn chật hẹp, đêm động phòng, ở chung thì không được mà đi tìm khách sạn nào họ cũng đòi chứng minh thư hoặc giấy phép lái xe. Tôi trình bày, họ chẳng tin. 23h khuya tìm đến khách sạn thứ 6 họ còn cho bảo vệ lùa đuổi và chửi chỉ có đám gian manh, vớ vẩn mới không có thứ giấy tờ gì, còn bày đặt bịa chuyện cả thôn không có giấy tờ tùy thân gì nữa à. Đêm đó, nằm dưới gốc cây, sương lạnh thấu da, chỉ mong trời nhanh sáng để bắt xe bus về nhà. Từ đó trở đi, tôi chẳng dám đi dâu ra khỏi cái làng heo hút này cả”.
Không riêng gì Tính mà nhiều người khác ở Bình Lợi cũng gặp cảnh khốn khổ như vậy. Ngay cả trưởng thôn cũng phải thốt lên rằng: “Nhiều khi mình bị xúc phạm ghê gớm vì những thứ không đâu nhưng cũng phải cắn răng chịu ví có giải thích cũng chẳng ai tin. Có lần tôi đi xin tiền hỗ trợ dầu thắp sáng cho thôn, phải ở lại, năn nỉ mãi khách sạn cho ở thì giữa đêm có công an đến kiểm tra. Họ cứ nhìn tôi và bảo, chỉ có người lậu mới không có giấy tờ. Câu nói này cứ ám ảnh tôi mãi. Từ đó, đi đâu tối khuya hay muộn đến mấy mà không có người thân cũng phải tìm cách mò về nhà bằng được, có lần trời mưa lầy lội phải đi bộ xuyên đêm từ thị trấn về nhà. Cực khổ đến thế là cùng”.
Đối với hầu hết mọi người khi cưới vợ, cưới chồn, đăng ký kết hôn là nghĩa vj và việc làm tất yếu. Đó là sợi dây quan trọng gắn kết, ràng buộc gia đình về mặt pháp lý. Thế nhưng, ở thôn Bình Lợi đây là ước mơ dai dẳng. Có người đã có 4 đứa con vẫn mong mỏi một ngày được treo tờ giấy đăng kí kết hôn ngay giữa nhà mình.
Nói về cuộc sống hôn nhân của giới trẻ trong thôn, già làng Sùng Nam buồn bã: “Cái quyền lợi chính đáng nhất của con người là được đăng kí kết hôn mà cũng không có thì buồn quá. Cứ đà này, khi xảy ra mâu thuẫn, người ta rất dễ dàng bỏ nhau. Có cơ sở pháp luật nào công nhận họ là vợ chồng đâu. Lúc đó, người phụ nữ thường bị thiệt thòi nhất. Nhiều cặp đã bỏ nhau rồi, chẳng ai ngăn được. Cái thời cổ kim thích thì cưới nhau là chuyện thường, giờ thế kỷ 21 rồi mà muốn cưới nhau chỉ được cam kết bằng miệng”.
Ngồi nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi, A Rúa, một cô gái từng xinh như hoa núi, nhưng giờ ủ dột, xanh xao, nước da xám xịt màu cà phê cứ sụt sùi nước mắt. Gạn hỏi mãi, cô mới tâm sự rằng: “Khổ lắm anh. Ở cái xứ này con gái nhiều khi bẽ bàng lắm. Mấy năm trước em yêu và lấy một người ở phố vào đây làm ăn. Họ cũng ngọt ngào và hứa hẹn sẽ lấy em và yêu em mãi, giống như trai làng ấy. Cưới xong một thời gian anh ấy về Buôn Ma Thuột. Em lên đó tìm thì anh ấy xem như người dưng và bảo nếu vợ chồng thì sao không có đăng ký kết hôn nên đành ngậm ngùi đi về. Ở thôn này có ai được đăng ký kết hôn đâu. Giấy tờ tùy thân đâu ra mà đăng ký”.
Một số người già ở Bình Lợi cũng không giấu nổi bức xúc, mà rằng: “Đúng là khốn khổ trăm bề. Cưới cũng cưới bằng miệng, bỏ nhau cũng bằng miệng, chia chác tài sản cũng tự phân xử với nhau. Có lúc chia không đều đánh nhau vỡ đâu cũng không ai có cơ sở để xử lý được. Sùng A Tin đã có 4 mặt con nhưng vẫn đau đáu nỗi khát thèm một ngày được chính tay sờ lên chiếc giấy đăng ký kết hôn của mình. Tin tâm sự: “Thấy bạn mình ở phố nó có tờ giấy đó đẹp lắm, nó bảo rất quan trọng. Mình đã mua sẵn một chiếc khung rồi, nếu có ngày được đăng ký mình sẽ mang tờ giấy đó lồng vào khung và treo giữa nhà, cho oai”.
Buồn đứt ruột vì hiến đất xây trường không ai nhận
Mỗi câu chuyện ở Bình Lợi đều như một cuốn phim buồn khiến người chứng kiến phải buốt nhói. Không ít cụ già ở đây chỉ mong nhìn thấy ánh điện về thôn rồi “quy tiên” cho yên lòng, có ngày ba đứa trẻ phải nhập viện vì không chống chọi nổi cái nóng 39 độ C. Chiều muộn buông xuống cũng là lúc thôn Bình Lợi chìm trong sự hoang vu, tĩnh mịch. Lách qua mấy mô đất lởm chởm, tôi bước tiếp vào một căn nhà lụp xụp, nhà nào cũng chẳng có gì đáng giá ngoài những dụng cụ sinh hoạt thô sơ.
Không ít nỗi khó khăn như từ trên trời rơi xuống đầu người dân Bình Lợi nên người ta gọi mảnh đất này biết đẻ ra nỗi khổ cực. Bà Kỳ vừa khua khua chiếc quạt mo cau vừa quẹt mồ hôi đang túa ra, ngán ngẩm: “Cũng bởi không có giấy tờ nên hàng ngàn người ở đây, đâu có ai học lái xe được. Mua xe máy cũng không dám đi ra đường vì sợ công an bắt. Có lần một người trong thôn chuyên làm nghề buôn bán đồ vặt vãnh, ra thị trấn bị giữ xe vì không có bằng lái.
Anh ta đành bỏ xe luôn, dẫu rằng tiếc đến đứt ruột. Vì đó chính là cần câu cơm của anh ta mà. Anh ta than trời với tôi nhưng tôi thì làm gì được vì bản thân tôi cũng có được làm thứ giấy tờ gì đâu”. Cũng vì không có giấy phép lái xe máy mà trong một lần ra thị trấn, bà Kỳ suýt húc phải trụ điện.
Bà nói: “Dân Bình Lợi ra đường mà cứ như đi ăn trộm hay làm việc gì mờ ám ấy, lúc khuya hoặc sáng sớm, công an giao thông chưa làm nhiệm vụ mới dám đi. Tôi hay có việc nên đi nhiều, lần nào đi cũng phải nhìn trước nhìn sau, lo lắm, không tập trung lái xe được. Biết nguy hiểm, cũng phải chịu. Có lần con gái tôi lái xe rất giỏi nhưng cũng chỉ vì nơm nớp lo canh me công an giao thông nên té ngã, hư hỏng hết cả chiếc xe mới mua, đến giờ cũng chưa đủ tiền đi sửa nên đang bỏ xó đó. Nó cũng khiếp vía rồi, chẳng dám đi ra ngoài nữa đâu, vì cuốc bộ làm sao nổi. Cứ thế này, chả khác người nguyên thủy”.
Nếu hỏi cánh xe ôm Ea Súp ở đâu gian khó nhất, trẻ con nhiều nhất, tiền công xe ôm từ thị trấn vào thôn cao nhất, họ sẽ trả lời ngay là Bình Lợi. Điều này gần như thường trực ngay trong suy nghĩ của họ, đã từ lâu. Sự xuất hiện của tôi hôm ấy cả làng đều biết. Có lẽ họ đã liên tục rỉ tai, và chạy đi báo cho nhau biết. Một không khí háo hức bỗng trỗi dậy, trẻ con đến vây kín cuộc làm việc của tôi với trưởng thôn.
Một số người dân nói như gào lên: “Khổ lắm rồi, chẳng ai biết trường học là cái gì cả. Nếu đi từ thôn này ra thị trấn mà học thì chẳng đứa trẻ nào đi bộ cho nổi. Cán bộ vào nhiều lần rồi, mà chẳng thấy chuyển biến gì cả. Nỗi buồn cứ kéo dài ngày nọ sang ngày kia như những đêm mưa rừng ấy”. Con số ban lãnh đạo thôn Bình Lợi cung cấp cho chúng tôi thật kinh ngạc: cả thôn có trên 300 đứa trẻ trong đó tuổi đến trường thì gần như 100% mù chữ.
Bà Kỳ bần thần giãi bày: “Với con số này có thể thành lập được một trường học rồi. Rất nhiều lần xin xã, huyện hãy cứu lấy những đứa trẻ tội nghiệp này nhưng không được. Như nhà tôi có điều kiện hơn, gửi được vài đứa ra thị trấn học nhưng cũng có đứa nào đọc thông viết thạo đâu”.
Theo ba Kỳ cũng như những người thôn Bình Lợi, chính quyền khước từ làm giấy tờ tùy thân cũng như các quyền lợi của trẻ em ở Bình Lợi vì nhân dân trong thôn không chịu đến nơi ở khác theo quy hoạch mới của huyện, để bàn giao hàng ngàn ha đất đã vỡ vạc mấy chục năm nay của các hộ dân cho các công ty liên kết trồng cao su. Đại diện cho người dân, trưởng thôn Kỳ bức xúc: “rõ ràng đã công bố quyết định thành lập thôn lâu rồi. Giờ chỉ vì lý do không nghe lời mà cấm không làm cho giấy tờ tùy thân thì mệt quá, sổ đỏ không cấp thì thôi nhưng cái chứng minh thư phải cho dân làm chứ”.
Nhiều đêm trắng, nghĩ nát đầu, bà Kỳ tìm ra giải pháp đầy hy sinh là hiến mấy hec ta đất của gia đình kèm theo lời khẩn cầu hãy xây trường học trên diện tích đất đo. Khi nghĩ ra giải pháp này, bà vui như mở cờ trong bụng. Thế nhưng niềm vui đó đã tắt lụi ngay vì không ai nhận đất hiến của bà …
Theo Pháp luật & Cuộc sống
www.DauDuaTinhLuyen.com Chuyên
trang thông tin về Dừa
và Dầu Dừa. http://daudua.phattrien.net
www.NukevietCMS.com Hệ thống quản trị website chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo mật tốt.
www.NukevietCMS.com Hệ thống quản trị website chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo mật tốt.
NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP
PHÁT TRIỂN
WEBDESIGN - HOSTING - DOMAIN
0 comments :
Post a Comment