“Làm sao để không lạc lõng giữa môi trường làm việc của công ty?”– Đó là một trong những thử thách đầu tiên khi bắt đầu công việc mới.
Nhập gia…
Gia An (25 tuổi) cho biết: “Mình phải tự lân la làm quen để hỏi xem có việc gì cần làm và làm như thế nào. Nếu gặp người nào cởi mở thì được hướng dẫn tận tình, còn không may thì sẽ “dội ngược” vì gặp phải thái độ lạnh như tiền của “ma cũ”!”.
Một số bạn trẻ khác khi mới đi làm cũng gặp tình trạng “ngồi chơi xơi nước” dài dài hoặc làm “chân sai vặt” cho những nhân viên khác vì không được phân công và hướng dẫn cụ thể ngay từ đầu.
Ở cương vị là người mới, bạn trẻ phải tự nỗ lực để thích nghi với môi trường làm việc. Cần tìm hiểu nhu cầu và phong cách của công ty đối với vị trí của mình để làm một “nhà cung cấp” tốt hơn là thụ động chờ giao việc hoặc nghĩ sẽ tự có người đào tạo và khai thác năng lực tiềm ẩn của mình.
Để theo kịp nhịp độ làm việc chung của mọi người, trước hết, nên tìm hiểu sơ đồ tổ chức, quy trình làm việc, yêu cầu công việc để nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa các bộ phận để có thể chủ động hơn trong công việc.
Đã có trường hợp, nhân viên muốn thay đổi chỗ ngồi mà lại nhờ đến… tổng giám đốc giải quyết thay vì liên hệ bộ phận hành chánh, quản trị văn phòng.
Tính cẩn thận cũng rất quan trọng. Không ít bạn mới ra trường hay gởi nhầm địa chỉ e-mail, hoặc quên tập tin đính kèm, dẫn đến làm lộ bí mật công việc và làm phiền người khác! Do đó, trước khi nhấn nút gởi đi, phải kiểm tra kỹ câu chữ, danh sách người gởi và mở ra xem lại tập tin đã đính kèm.
Ngoài ra, cần chú ý đặt tên các tập tin cho rõ ràng và sắp xếp theo một thứ tự ngăn nắp để dễ tìm kiếm như: theo thời gian, theo mảng công việc, theo dự án…
Những điều tưởng như nhỏ nhặt này không chỉ ảnh hưởng lớn đến công việc mà còn rất có thể được đánh giá vào tính chuyên nghiệp trong tác phong làm việc của nhân viên. Vì thế, bạn trẻ cần quan tâm đến phong cách làm việc của mọi người chung quanh và cẩn thận từ những việc làm nhỏ nhặt.
Nhã Uyên (26 tuổi) chia sẻ kinh nghiệm: “Nên kết thân với một đồng nghiệp có uy tín trong công ty để được hướng dẫn về công việc cũng như cách xử sự trong môi trường mới”.
…Tùy tục
Ở giai đoạn thử việc, kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống là chìa khoá quan trọng để bạn trẻ hội nhập vào văn hóa doanh nghiệp. Việc tự đặt ra những câu hỏi như:
“Cấp trên và đồng nghiệp có chấp nhận nghe tranh luận trái quan điểm với họ hay không?”, “khi nào thì đồng nghiệp có thể dành thời gian tán gẫu và chia sẻ những vấn đề cá nhân?”... đều rất có ích.
Thấy được mấu chốt trong các quy tắc xử sự là điều thiết yếu để trước hết bạn có thể “sống” chung với mọi người, sau đó mới là “chiến đấu” với thử thách để khẳng định giá trị bản thân.
Khó khăn của đa số sinh viên mới tốt nghiệp khi tiếp xúc với công việc là không biết làm sao để “hô biến” những lý thuyết học trong nhà trường thành năng lực làm việc của mình.
Các tình huống cần xử lý trong thực tiễn không còn giống với những bài tập trong trường nữa mà đa dạng hơn, đòi hỏi mỗi nhân viên phải nhanh nhạy nắm bắt vấn đề và xử lý hài hòa với đồng nghiệp….
Thêm vào đó, để hiểu tính cách mọi người hơn, bạn nên tham gia những hoạt động tập thể như các câu lạc bộ, công đoàn, hội thi nội bộ, chuyến đi dã ngoại… hay cùng đi ăn uống với đồng nghiệp sau giờ làm việc.
Lấy được thiện cảm nhiều người và vượt qua được sự rụt rè trong giao tiếp, xử lý tình huống tương đương với việc bạn đã bước đầu thích nghi với môi trường doanh nghiệp.
NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP
PHÁT TRIỂN
WEBDESIGN - HOSTING - DOMAIN
0 comments :
Post a Comment