Hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp kêu trời vì sản phẩm bị làm giả, nhái hàng loạt, ảnh hưởng thương hiệu và uy tín. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đấu tranh quyết liệt, triệt để với thực trạng nhức nhối này vì ngại mất uy tín. Mặt khác việc phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này còn có nhiều “lỗ hổng” khiến cho hàng giả, hàng nhái ngày một hoành hành. Cuộc tọa đàm “Hàng gian, hàng giả, hàng kém phẩm chất –Thách thức của sự phát triển bền vững” ngày 27.1.2014 do Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) và Công ty truyền thông Kim Media tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến thiết thực và cùng các cơ quan chức năng tìm giải pháp để từng bước tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp trước căn bệnh trầm kha nói trên.
Một số sản phẩm nghi giả bị thu giữ
Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) nhìn nhận: Hàng giả, hàng nhái gây tác động tiêu cực, phá vỡ một phần thị trường sản xuất trong nước. Thực tế cho thấy, ít có ngành hàng nào ở Việt Nam không bị làm giả, làm nhái. Nhiều sản phẩm thuốc thú y, thuốc - hoá chất nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật bị làm giả từ nước ngoài đưa vào nhằm phá hoại nền sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là thực phẩm giả, thuốc nhái… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra còn có các mặt hàng điện tử, ga...cũng bị làm giả rất nhiều. Số lượng các vụ vi phạm tăng so với năm trước. Chỉ tính riêng tám tháng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước phát hiện, xử lý 16.826 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, trị giá hàng vi phạm 191,7 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện tăng 4.115 vụ, tương ứng tăng 32,4 %.
TP HCM là trung tâm sản xuất hàng háo lớn nhất cả nước, nhưng nơi đây là địa chỉ chứa trữ, bày bán, làm ra các loại hàng gian, hàng giả, hàng nhái…nhiều nhất trong toàn quốc.
Ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Trong năm 2014, lực lượng QLTT của ngành công thương TP HCM tổ chức kiểm tra chuyên ngành 7.154 vụ (tăng 3.659 vụ so với năm 2013), phát hiện 5.491 vụ vi phạm, trong đó có 1,718 vụ hàng cấm, 1.400 vụ hàng nhập lậu, 442 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; 944 vụ vi phạm về điều kiện kinh doanh. Tổng số tiền thu được từ hàng hóa vi phạm trên 88 tỷ đồng, trị giá hàng hóa bị tiêu hủy 11 tỷ đồng, hàng tịch thu chờ bán trên 36 tỷ đồng.
Toàn cảnh cuộc tọa đàm.
Cơ quan có thẩm quyền nhận định, những vụ hàng gian, hàng giả, hàng chiếm dụng quyền sở hữu công nghiệp bị phát hiện trong thời gian vừa qua khi đem so với tình hình thực tế đang diễn ra tại thị trường thì con số này rất nhỏ. Hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm thương hiệu hiện như con sóng ngầm cuộn chảy, có thể nhần chìm nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu bằng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng chuyên nghiệp, sử dụng nhiều công nghệ, máy móc hiện đại. Các tổ chức vi phạm liên kết chặt chẽ, hình thành những quy trình chuyên biệt. Cụ thể từ các khâu sản xuất bao bì, tem, nhãn giả, kể cả các loại tem phản quang chống giả, sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói thành phẩm; đặt hàng; sản xuất; nhập khẩu; vận chuyển; phân phối.
Trong một số trường hợp, hàng giả thường được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Hiện trạng này khá phổ biến với những mặt hàng như mũ bảo hiểm, đồ may mặc, hàng tiêu dùng…
Thậm chí, có trường hợp thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao luôn cho khách đặt mua. Đối với các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu đang phổ biến hiện nay, hàng giả, hàng nhái sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ, trên bao bì có ghi địa chỉ nơi sản xuất hoặc nhà phân phối… không có thực.
Bà Đặng Thị Vân An, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông Tin & Truyền Thông) phát biểu tại cuộc tọa đàm
Vấn nạn này đồng thời tạo nên môi trường kinh doanh không lành mạnh. Người tiêu dùng bị “móc túi” đủ cách, nhưng nguy hiểm hơn là chất lượng sản phẩm không bảo đảm, có thể đe dọa cả tính mạng con người.
Tác hại của hàng giả, hàng nhái với nền kinh tế Việt Nam rất lớn, nhưng chưa cơ quan nào lượng hoá được con số cụ thể về thiệt hại do vấn nạn này. Một thống kê của Cục Quản lý thị trường cho thấy, trung bình mỗi năm, lực lượng này phải xử lý khoảng 10 nghìn vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, trong chín tháng đầu năm nay, phát hiện, xử lý 152.185 vụ việc, liên quan tới lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2013. Khoản thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu và thanh - kiểm tra, truy thu thuế là hơn 10 nghìn tỷ đồng. Lực lượng chức năng đồng thời khởi tố 1.147 vụ, với 1.289 đối tượng.
Những năm qua, nền kinh tế đang khó khăn là điều kiện thuận lợi cho hàng giả phát triển mạnh. Nạn hàng giả hoành hành cũng có nguyên nhân một phần do doanh nghiệp chưa có ý thức tốt trong phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái.
Luật gia Nguyễn Văn Hậu-Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho rằng, hàng giả, hàng nhái ngày càng làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng (NTD), giảm già trị thương hiệu, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Luật Bảo vệ NTD quy định rõ, doanh nghiệp khi phát hiện đối tượng làm hàng giả khó khăn nhất là việc xác định thiệt hại như thế nào. Cơ quan báo chí cần hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để đưa vào “danh sách đen” những doanh nghiệp làm hàng gian, hàng giả. Có như vậy mới giải quyết một phần quan trong trong cuộc chiến đầy cam go này.
Ông Nguyễn Văn Khoẻ - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hoà Bình phát biểu tại Tọa đàm.
Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD đánh giá: Trong nền kinh tế thị trường, NTD luôn quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, các hội xã hội cần chung sức cùng doanh nghiệp ủng hộ các sản phẩm có chất lượng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hội này mong các doanh nghiệp tích cực tham gia vào hội, để từ đó phân loại, xếp hạng doanh nghiệp như một địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hội và NTD cùng báo chí cần thắt chặt hơn mối quan hệ hơn nữa để cùng tạo thành một thành trì vững chắc trước thực trạng hàng giả, hàng nhái hoành hành như hiện nay. Ông Chính chia sẻ một kinh nghiệm hay trong việc chống hàng, giả, hàng nhái ở Ấn Độ là NTD có thể chụp ảnh những sản phẩm không đạt chất lượng và gửi trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
“Hình như người Việt Nam chúng ta khi xây dựng được thương hiệu thì thay vì tập trung bảo vệ thương hiệu thì lại mải mê theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Khi có lợi nhuận rồi lại tự đánh mất thương hiệu vì lợi nhuận. Trong thực tế, một bộ phận doanh nghiệp chưa tích cực trong công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do thiếu nguồn lực. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức còn hạn chế về tầm quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vì lo ngại đến uy tín, doanh số tức thời, hoặc vì các mục tiêu kinh doanh, họ chưa thực sự quan tâm đến việc cùng chung tay chống lại hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, nhà báo Dương Thủy –Tạp chí Hàng Hóa-Thương Hiệu ghi nhận.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, nhà báo Phạm Quốc Toàn-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tổng biên tập Tạp chíNgười Làm Báo ghi nhận sự đóng gó quý giá của các doanh nghiêp, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà báo…Ông mong các nhà báo và doanh nghiệp chân chính cần chung sức, chung lòng tạo nên mối liên hệ bền chặt, xây dựng thương hiệu tốt cho doanh nghiệp cũng như sản phẩm có chất lượng cao. Từng bước định hướng về mặt thông tin đầy đủ kịp thời cho người tiêu dùng trước “mê trận” hàng hóa tràn ngập trên thị trường mà thực tế vàng thau lẫn lộn, khó định vị về mặt chất lượng sản phẩm. Giúp cho NTD có sự lựa chọn thiết thực, trở thành NTD thông thái để từng bước loại trừ, tẩy chay các mặt hàng giả, hành nhái không đạt chất lượng; ủng hộ các mặt hàng chất lượng của các doanh nghiệp có tên tuổi. Từng bước lành mạnh hóa tâm lý NTD và thị trường hàng hóa sôi động như hiện nay.
Theo: http://nguoilambao.vn/ & http://kimmedia.vn
0 comments :
Post a Comment